Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Điện mặt trời áp mái: Tương lai phát triển năng lượng tái tạo
Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết nước ta có tiềm năng khá lớn bức xạ mặt trời, ước tính tiềm năng kỹ thuật có thể phát triển điện mặt trời ở Việt Nam có thể lên tới gần 340.000 MWp.
Với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, rất nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, điện mặt trời áp mái là một hình thức mới, ưu việt, có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.
Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy… với quy mô vài kW tới MW được gọi là điện mặt trời áp mái, với cấu tạo được minh họa đơn giản như sau:
Các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất khoảng 290 – 350Wp được thiết kế kiểu panel với kích thước 1956x992x50 mm, diện tích khoảng 1,9 m2. Nếu diện tích mái nhà khoảng 20 m2 thì có thể lắp đặt được 10 panel, công suất điện cực đại thu được khoảng trên 3 kWp, đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong một gia đình.
Ưu điểm của điện mặt trời áp mái:
– Không tốn diện tích đất.
– Giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình.
– Có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải.
– Được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân. Ví dụ khi có 150 ngàn hộ tại khu vực TP.HCM đầu tư từ 3 – 5 kW điện mặt trời áp mái, có thể tạo ra công suất điện tại chỗ khoảng 600 MW trong giờ cao điểm trưa, tương đương công suất một nửa nhà máy nhiệt điện than như Vĩnh Tân I hoặc Duyên Hải I.
– Điện mặt trời áp mái với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa – huy động các nguồn vốn.
Các nỗ lực của EVN
Cuối năm 2018, tại các công trình xây dựng trực thuộc các đơn vị thành viên của EVN đã có trên 3,2 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt, trong đó tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội 52 kWp, Tổng công ty Điện lực miền Trung 352 kWp, Tổng công ty Điện lực miền Nam 1.985 kWp. Cuối năm 2018 trên toàn quốc ước tính có 1.800 khách hàng lắp đặt được 30,12 MWp công suất ĐMTAM.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Thứ nhất, hiện nay đơn giá lắp đặt điện mặt trời áp mái còn cao, khoảng 20 – 23 triệu đồng cho mỗi kWp công suất. Vì vậy, giá thành điện sản xuất ra cũng chưa cạnh tranh. Mặt khác, theo các điều tra khí tượng, khu vực miền Bắc và bắc Trung bộ có số giờ nắng ít hơn khu vực miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hiệu quả đầu tư điện mặt trời áp mái tại đây cũng còn thấp.
Thứ hai, do còn chậm có Thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý về các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế quy định cụ thể cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia kinh doanh, cơ chế tài chính hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, nên nhiều hộ còn chần chừ, chờ đợi, dẫn đến quy mô phát triển điện mặt trời còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” ngày 27-2-2019, qua đánh giá kinh nghiệm triển khai các dự án điện mặt trời trong gần 2 năm 2017 – 2018, đã có một số kiến nghị như sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền quảng bá về lợi ích của phát triển điện mặt trời áp mái.
2. Chính phủ khuyến khích các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ ngành và các UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt điện mặt trời áp mái.
3. Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ lắp đặt điện mặt trời áp mái.
4. Chính phủ có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái trên mái công trình.
5. Các nhà tài trợ, ngân hàng, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời áp mái ở Việt Nam.
6. Các nhà sản xuất, cung cấp, lắp đặt phối hợp với EVN và các đơn vị Điện lực tuyên truyền, quảng bá, cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ mở rộng thị trường điện mặt trời áp mái.
Nguồn : Tuổi Trẻ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!